Giới thiệu chung

SƠ LƯỢC VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN XÃ SƠN THÀNH, YÊN THÀNH, NGHỆ AN
1. Vị trí địa lý
Sơn Thành là một xã miền núi, nằm ở vị trí 18°54′13″ vĩ độ Bắc, 105°29′38″ kinh độ Đông. Nghiêng dần từ Đông nam xuống Tây bắc và bị phân chia bởi nhiều đồi núi, nằm về phía nam của huyện Yên Thành, cách xa trung tâm huyện 18 km, có địa giới tiếp giáp với 5 xã và 3 huyện. Với diện tích 15,17 km², dân số năm 2020 là 8.292 người, mật độ dân số đạt 1.829 người/km².
Phía Bắc và Đông bắc giáp 2 xã Bảo Thành, Viên Thành của huyện Yên Thành, Nghệ An
Phía Đông giáp xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, Nghệ An
Phía Nam giáp xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An
Phía Tây nam giáp xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An
     Sơn Thành là xã thuộc vùng bán sơn địa, nằm ở phía Đông Nam, huyện Yên Thành, được chia thành 2 vùng rõ rệt: Phía Nam là vùng bán sơn địa, với hệ thống đồi núi thấp, chạy liền kề theo chiều hướng khác nhau; phía Bắc là vùng đồng bằng thường bị ngập úng về mùa mưa lũ. Xã Sơn Thành cách trung tâm huyện Yên Thành khoảng 18 km, cách thành phố Vinh khoảng 50 km.
2. Đặc điểm tình hình
Toàn xã có diện tích đất tự nhiên là: 1.512,25 ha.
Trong đó   - Đất sản xuất nông nghiệp:     1.170,94 ha chiếm 77,43%
                  - Đất phi nông nghiệp:               223,30 ha chiếm 20,84%
                  - Đất chưa sử dụng:                     48,03 ha chiếm 1,73 %
     Có Quốc lộ 48E chạy qua theo hướng từ nam ra bắc có chiều dài 7km. Có đường liên huyện đi qua ranh giới 3 huyện Yên Thành, Nghi văn, Đô Lương (đường Sơn - Đại).
Quy mô về dân số.
Nông Trang 262 hộ 1061 khẩu
Rú Nhót 207 hộ 946 khẩu
Đồng Tráu 203 hộ 957 khẩu
Rú Bạc 228 hộ 1002 khẩu
Tràng Sơn 317 hộ 1262 khẩu
Yên Duệ 215 hộ 1018 khẩu
Nguyễn Huệ 217 hộ 1031 khẩu
Tăng Bạt Hổ 208 hộ 1061 khẩu
Tổng cộng 1857 hộ 8338 khẩu
3. Lịch sử phát triển của xã Sơn Thành
Năm 1953-1954 xã Sơn Thành được tách ra từ xã Hợp Minh thuộc tổng Quan Trung huyện Yên Thành, gồm có 3 Làng đó là: Yên Duệ, Lương Hội và Tràng Sơn. Từ tháng 10/1945 Trung ương bỏ cấp Tổng (cấp trung gian giữa huyện và xã) lập xã mới. Sau ngày bầu cử Quốc Hội khoá một (06/01/1946), một số xã lớn vẫn theo tên làng, xã cũ. Làng Yên Duệ và Tràng Sơn thuộc xã Hợp Minh, còn Lương Hội thuốc xã Vân Quan. Cuối năm 1948 đầu năm 1949 (tổ chức xã lần thứ 2), thực hiện chủ trương tăng cường xã, đơn giản huyện, xã nhỏ nhập với nhau thành xã lớn, huyện Yên Thành lúc bấy giờ có 12 xã. Xã Hợp Minh và xã Vân Quan nhập lại lấy tên là xã Hợp Minh. Năm 1953, tổ chức xã lần thứ 3, ba Làng: Tràng Sơn, Yên Duệ, Lương Hội hợp thành xã Sơn Thành, tên gọi chính thức xã Sơn Thành có tên gọi từ đây.
Buổi đầu thành lập xã mới, trụ sở các ban ngành đều mượn nhà dân làm nơi làm việc. Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến của xã Sơn Thành đặt tại làng Tràng Sơn. Bí thư Đảng ủy lúc này là đồng chí Tăng Hồng. Ngay sau khi thành lập xã, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Yên Thành, bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Sơn Thành được thành lập và bắt tay ngay vào công việc động viên quần chúng nhân dân thực hiện cuộc giảm tô, giảm tức, huy động nguồn lực vật chất và tinh thần của nhân dân cho sự nghiệp kháng chiến. Cuối năm 1953, thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện Yên Thành, Đảng bộ xã Sơn Thành tiến hành Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 1954-1955. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ do đồng chí Tăng Hồng làm Bí thư Đảng ủy, chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến là đồng chí Nguyễn Văn Thừa, phó chủ tịch là đồng chí Nguyễn Hồng Liên.
Cải cách ruộng đất ở Sơn Thành được tiến hành vào đợt III, bắt đầu từ tháng 3/1955. Tỉnh uỷ thành lập đội chỉ đạo gồm 8 đồng chí cán bộ Huyện uỷ, cử đồng chí Bùi Điện làm bí thư. Đội cải cách ruộng đất về tận từng thôn xóm để chỉ đạo, vận động bà con nông dân ngày sản xuất, đêm học tập các bước tiến hành trong cải cách ruộng đất.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, sau một thời gian ngắn, nhiều hộ nông dân đã tự nguyện đóng góp nông cụ, ruộng đất vào xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1958, hợp tác xã đầu tiên ở Sơn Thành là HTX Xóm Giếng gồm có 17 hộ. Ông Trần Căn được cử làm chủ nhiệm, ông Trần Thượng làm phó chủ nhiệm HTX. Từ HTX Xóm Giếng, trong khoảng thời gian từ tháng 8/1959 đến tháng 4/1961, toàn xã Sơn Thành đã xây dựng được 7 hợp tác xã cấp thấp.
Năm 1959, thành lập ban địa chính xã để đo lại diện tích các vùng ven đồi. Ban địa chính gômd 8 người, do ông Nguyễn Đình Song làm trưởng ban. Ban đã đo lại và kê sổ, địa bạ cho 150 ha đất.
Tháng 4/1955, hợp tác xã mua bán của xã Sơn Thành được thành lập do ông Nguyễn Tính làm chủ nhiệm. HTX mua bán ra đời đã đặt nền móng đầu tiên cho mạng lưới thương nghiệp XHCN ở Sơn Thành, đóng góp đáng kể trong việc điều hành, phân phối hàng hoá, nhu yếu phẩm Nhà nước
Thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) Đảng bộ và nhân dân Sơn Thành vượt qua những khó khăn ban đầu để xây dựng quê hương và giành nhiều thành tựu trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Nổi trội nhất thời kỳ này là thực hiện thành công cuộc vận động “Chi bộ 4 tốt”.
  • Lãnh đạo sản xuất và chiến đấu tốt
  • Chấp hành chính sách tốt
  • Chăm lo đời sống và vận động quần chúng nhân dân tốt
  • Làm tốt công tác phát triển Đảng
Từ đó nhân dân và cán bộ xã Sơn Thành đã có những bước đi vững chắc trong lịch sử dựng làng, giữ nước. những thành quả đó đã tạo điều kiện cho xã nhà vững vàng bước vào thời kỳ đầy thử thách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Giai đoạn 1965-1975 Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Thành vừa sản xuất, vừa chiến đấu, gốp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ:
Xác định tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh và tầm quan trọng của các mục tiêu cần phải bảo vệ. Đảng uỷ và chính quyền xã Sơn Thành đã xây dựng phương an chiến đấu cụ thể từng phần, từng công việc, lấy lực lượng dân quân du kích làm chủ lực. trước mắt là sơ tán người và tài sản ở gần các trọng điểm đến nơi an toàn. Đồng thời sắp xếp các tổ phục vụ chiến đấu và sản xuất.
Thời kỳ nay, điều đáng ghi nhận ở xã Sơn Thành là phong trào đi di dân, khai thác vùng bán sơn địa và phân bố lại dân cư tạo chuyển cả nhà cửa, đồ dùng, trâu bò, nông cụ để lập cơ nghiệp tại địa điểm mới như Cục Đọi, Bãi Trài, Đồng Rộc thực sự là một cuộc cách mạng mới thời bấy giờ
Tháng 1 năm 1965, Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành ra Quyết định nhập nông trang Tiên Công về xã Sơn Thành. Đến năm 1970, phong trào xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh. Đến thời điểm này ở Sơn Thành có 5 hợp tác xã nông nghiệp.
Từ thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước địa giới hành chính của xã Sơn Thành không có gì thay đổi đáng kể, năm 1975 đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, trong thời gian từ năm 1975-1985, phong trào liên thôn, liên xã, liên huyện, liên tỉnh diễn ra trên địa bàn cả nước. Yên Thành nói chung Sơn Thành nói riêng cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng cơ bản địa giới hành chính của xã không thay đổi là mấy so với ngày thành lập, chỉ có diện tích đất hoang hóa được cải tạo thành ruộng 1, 2 vụ lúa/năm, làng xóm trải dài từ Lương Hội, Yên Duệ  vào tận Nông Trang, Vĩnh Lộc…dân cư Sơn Thành tăng nhanh vì tỷ lệ tăng tự nhiên cũng như số người ở nơi khác đến định cư trên địa bàn xã.
Ở Sơn Thành, chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Từ năm 1973-1976. Đảng uỷ, UBND xã Sơn Thành đã phát động nhân dân tiến hành san lấp hố bom, khai hoang phục hoá. Diện tích canh tác. Diện tích canh tác đến giai đoạn này đã tăng lên 406 ha (trước đó chỉ có 300 ha). Điều đáng ghi nhận là nhân dân Sơn Thành đã áp dụng nhưng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng những giống lúa có năng suất cao. Đồng thời, xã đã bố trí mùa vụ hợp lý trên từng loại đất, nâng cấp các công trình hồ đập thuỷ lợi, phát huy tối đa nguồn nước để sản xuất cây trồng.
Thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm (1981-1985) tuy đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng ở Sơn Thành nói riêng và cả nước nói chung cũng nẩy sinh nhiều vấn đề bất cập trong cơ chế quản lý sản xuất và phân phối trong các HTX, sai lầm trong việc kéo dài cơ chế quan liêu bao cấp cùng với sự cấm vận của Mỹ nên đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải quyết tình hình trên và thực hiện chỉ thị 100 của Ban bí thư Trung ương Đảng và đặc biệt là đường lối kinh tế của Đại hội Đảng lần thứ V của Đảng là: “Tập trung sức phát triển nloong nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng. Kết hợp nông nghiệp, công nghiệp, hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu cong, nông nghiệp hợp lý”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, nhân dân xã Sơn Thành đã tổ chức nhiều cuộc họp từ xã đến các đội sản xuất. vận dụng linh hoạt những chủ trương của Chỉ thị 100. Đảng bộ, CHính quyền, Ban quản trị HTX chủ động giao khoán thêm số ruộng đất mà tập thể làm ăn không hiệu quả cho xã viên sản xuất chỉ thu sản phẩm theo định mức. song song với sản xuất, chăn nuôi là tập trung xây dựng kênh mương, san lấp hố bom để xây dựng đập thuỷ lợi dẫn nước về đồng ruộng.
Bước vào thời kỳ đổi mới (1986-1995). Sơn thành có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng bên cạnh đó vẫn là những thách thức không nhỏ, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng uỷ, Chính quyền và sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, ra sức khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày một tiến lên. Để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và đặc biệt là Nghị quyết số 05 ngày 17/04/1987 của BCH Đảng bộ huyện Yên Thành về sản xuất vụ Hè Thu, chỉ đạo mở rộng diện tichcs và đa dạng hoá cây trồng vụ Đông, đưa giống lúa lai vào sản xuất trên diện rộng, thay thế những gióng cây trồng thuần tuý mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Điểm nổi bật nhất của giai đoạn này là triển khai thực hiện “khoán 10” thay thế cho “khoán 100” nên sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển đột phá.
Tháng 11/1991, Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Sơn Thành được tổ chức với mục tiêu xác định: “ Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, từng bước bê tông hoá các công trình thuỷ lợi, xây dựng trạm bơm, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi. Chăm lo phát triển lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, đầu tư đúng mức cho Quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng, giáo dục đội ngũ Đảng viên, xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận và chăm lo xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng, không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương Sơn Thành ngày càng văn minh, giàu đẹp”.
Ngày 28-29/12/1995, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Sơn Thành lần thứ XXIII được khai mạc với mục tiêu chính trị đề ra là: “Đẩy mạnh phát triển ngành nghề dịch vụ, khuyến khích lao động đi làm ở ngoài tỉnh và lao động hợp tác với nước ngoài để phát triển kinh tế xã hội, đưa Sơn Thành trở thành một xã đứng tốp đầu của huyện Yên Thành”.
Ngày 23/09/1996, một niềm vinh dự đối với Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Thành: Đảng và Nhà nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 17-18/09/2000 Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Sơn Thành lần thứ XXIV được diễn ra với nhiệm vụ được xác định: “Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại yếu kém, quán triệt sâu sắc các quan điểm và các Nghị quyết của Đảng các cấp. Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Thành tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông lâm nghiệp toàn diện, coi trọng phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng CNH,HĐH gắn với phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Thực hiện nhan chương trình xoá đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, khai thác tối đa mọi tiềm năng, nguồn lực của địa phương để phát triển kinh tế xã hội với nhịp độ cao hơn”.
Năm 2008 đến nay năm 2017 xã Sơn Thành có 19 xóm được đạt tên theo thứ tự là: xóm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18 và xóm 19. Đến năm 2017 thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước xã Sơn Thành tiếp tục sáp nhập thành 8 xóm:
Xóm 1, xóm 2, xóm 3 thành xóm Nông Trang;
Xóm 4, xóm 5 thành xóm Rú Nhót
Xóm 6, xóm 7  thành xóm Đồng Tráu
Xóm 8 xóm 9 và xóm 13 thành xóm Rú Bạc
Xóm 10, xóm 11, xóm 12 thành xóm Tràng Sơn
Xóm 14, xóm 15 thành xóm Yên Duệ
Xóm 16, xóm 17 thành xóm Nguyễn Huệ
Xóm 18, xóm 19 thành xóm Tăng Bạt Hổ
Trong những năm gần đây thực hiện chủ trương công nhận làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến và để giữ gìn bản sắc riêng, các tên làng ngày xưa đã được dùng để đặt cho các xóm làng Nông Trang, Rú Nhót, Đồng Tráu, Rú Bạc, Tràng Sơn, Yên Duệ, Nguyễn Huệ, Tăng Bạt Hổ và chọn lọc những tinh hoa của nếp xưa xây dựng khôi phục cũng cố lại. Đây là một nét mới trên bước đường xây dựng, phát triển quê hương Sơn Thành vừa hiện đại, văn minh nhưng vẫn lưu giữ được những nét văn hóa của cha ông.
Chi bộ Đảng xã Sơn Thành có 13 chi bộ, trong đó 8 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ trạm y tế, 1 chi bộ công an, với 263 Đảng viên.
Có được những thành tựu đó, trước hết là nhờ sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Chính quyền, sự phối kết hợp của các ban nhành, đoàn thể cấp xã cũng như sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng và Chính quyền cấp trên, đã đề ra những bước đi thích hợp cho từng giai đoạn, sát đũng với điều kiện cụ thể của địa phương, tạo được sự thống nhất trong Đảng, nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Đó chính là sức mạnh đoàn kết, là động lực thúc đẩy để Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Thành vinh dự và tự hào và đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước:
  • Ngày 23/09/1996 được Đảng và Nhà nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
  • Ngày 16/08/2010 được đón nhận danh hiệu Huân chương Lao động hạng Ba
  • Ngày 04/08/2015 được đón nhận danh hiệu Huân chương Lao động hạng Nhì
  • Ngày 11/03/2014 được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Nghệ An
  • Năm 2022 đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và đang hoàn thiện bộ tiêu chí đơn vị đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Trên bước đường đi tiếp vẫn còn không ít khó khăn thử thách, chông gai song chúng ta hoàn toàn có quyền và được phép tin tưởng rằng với truyền thống anh dũng, kiên cường, với tinh thần quyết tâm cao với kinh nghiệm quý báu tích luỹ được trong quá trình xây dựng quê hương. Đảng bộ và nhân dân Sơn Thành nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiến những bước dài hơn nữa trong quá trình thực hiện CNH,HĐH đất nước, hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây